Giá các mặt hàng thực phẩm xuống mạnh cộng thêm các gói hỗ trợ chính sách của Chính phủ triển khai cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 đã tác động giảm đà tăng của CPI chung.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước và đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Theo đó, lạm phát cơ bản 12 tháng chỉ tăng 0,81%.
CPI tháng 12 giảm 0,18%
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho hay việc giá các mặt hàng thực phẩm xuống mạnh cộng thêm các gói hỗ trợ chính sách của Chính phủ triển khai cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 đã tác động kìm hãm đà tăng của CPI chung trong năm.
Cụ thể tháng 12/2021, CPI đã giảm 0,18% (trong đó, khu vực thành thị giảm 0,2%, khu vực nông thôn giảm 0,16%). 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã giảm giá so với tháng 10 và 7 nhóm hàng tăng giá.
Trong số đó, giá của nhóm lương thực đã tăng 0,36% trong tháng 12 như gạo tăng 0,4%, bột mỳ và lương thực chế biến tăng lần lượt là 0,5% và 0,24% so với tháng 11. Ngoài ra, giá thực phẩm cũng nhích 0,15% so với tháng 11 do giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,3%, giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng 0,6% và 0,1%.
"Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài khiến các cơ sở chế biến thực phẩm bị thiếu hụt nhân công lao động và nguyên liệu sản xuất nên tăng giá bán," bà Oanh chia sẻ.
Thêm vào đó, giá thủy sản tươi sống cũng tăng gần 0,5% và thủy sản chế biến tăng 0,3% so với tháng 11, bởi hoạt động đánh bắt thủy hải sản gặp khó khăn trong mùa mưa bão dẫn đến nguồn cung hạn chế.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân kiềm chế CPI trong tháng là việc giá xăng dầu, giá gas tháng 12 giảm theo giá nhiên liệu thế giới cùng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, học phí học kỳ 1 (năm học 2021-2022) tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương.
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 4 giảm đã 0,38% so với quý 3 và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý, giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,28 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm gần 20%. Ngoài ra, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến giá vé máy bay đã giảm 22%, giá du lịch trọn gói giảm 1%.
(Số liệu: Tổng cục Thống kê)
CPI cả năm thấp nhất trong 5 năm
Theo bà Oanh, có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 và khiến mức tăng này thấp nhất trong 5 trở lại đây. Đầu tiên là do giá cả các mặt hàng thực phẩm xuống giá 0,54%/năm và làm CPI giảm 0,12 điểm phần trăm; trong đó giá thịt lợn giảm 10%/năm, giá thịt gà giảm 0,28%/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý 4/2020 (hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19) nhưng được thực hiện vào tháng 1/2021 và giảm giá điện tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội kỳ hóa đơn tháng Tám và Chín. Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân năm đã giảm 0,9%/năm và tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, mức lạm phát cơ bản bình quân trong năm tăng 0,81% so với năm 2020 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
“Mức lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. Điều này cũng cho thấy trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường,” bà Oanh nói./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)