GDP quý II tăng 7,72%

GDP quý II tăng 7,72%

Post by admin /08/07/2022

Quá trình phục hồi đang diễn ra đồng đều ở hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế. Một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu… có mức tăng cao hơn so mức trước đại dịch.

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tăng trưởng GDP quý II ước tính tăng 7,72% so cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm được Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh là đà phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm ước đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ. Trong đó, quý II đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so quý trước và tăng 19,5% so cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu du lịch lữ hành đều tăng trưởng ở mức hai con số sau thời gian tăng trưởng âm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khách du lịch quốc tế bắt đầu trở lại Việt Nam sau hơn 3 tháng mở cửa hoàn toàn du lịch thay vì chỉ đón các chuyên gia nhập cảnh phục vụ công tác như giai đoạn trước đây. Mức tăng trưởng diễn ra khá đồng đều giữa các thị trường khách du lịch châu Á, châu Âu, châu Mỹ…Tính chung 6 tháng, khách quốc tế đạt 602 nghìn lượt người, gấp gần 7 lần so cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng ta đã lấy lại đà tăng trưởng cao, đặc biệt là khu vực dịch vụ thị trường có đóng góp rất quan trọng vào mức tăng trưởng hơn 7% của GDP trong quý II”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, đầu tư công, sản xuất kinh doanh… đều ghi nhận sự phục hồi tích cực. Lần đầu tiên, cả nước ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường trong 6 tháng đầu năm vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng, cả nước có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 13,9 nghìn doanh nghiệp.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gần 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát lạc quan đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tốt hơn trong quý.

Về lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so quý II/2021; CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Các yếu tố làm gia tăng lạm phát trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là do giá bán lẻ xăng dầu trong nước bình quân quý II tăng 54,92% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm. Tiếp đến là tăng giá gas, giá vật liệt bảo dưỡng nhà ở…

Ngược lại, việc ổn định nguồn cung và giảm giá thịt lợn, giảm giá dịch vụ giáo dục, giảm giá thuê nhà ở… đã hỗ trợ tích cực cho kết quả kiềm chế lạm phát.

Cùng với việc công bố các số liệu về tình hình kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhận định năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5% nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là rất khó khăn. Đáng lưu ý, áp lực lạm phát sẽ gia tăng mạnh hơn từ quý III/2022 do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu và giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới.

Theo https://nhandan.vn/