Hải Phòng xúc tiến đầu tư tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông

Hải Phòng xúc tiến đầu tư tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông

Post by admin /06/08/2024

Sáng 5/8, Đoàn công tác của TP. Hải Phòng tới thăm và làm việc với Tổng Thương hội Thâm Quyến.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Lê Tiến Châu chia sẻ, trong những năm gần đây, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, duy trì đà tăng trưởng hai con số. Hải Phòng cũng là một điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI và luôn duy trì đứng trong top đầu cả nước.

Với những lợi thế về vị trí địa lý; hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi thế giới; hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc Việt Nam; Hệ thống hạ tầng logistics của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cùng những chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp. Hải Phòng đã và đang là trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc như TP Link, Autel, Tongwei...

Trình bày báo cáo về tình hình thu hút đầu tư, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút đầu tư. Trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.572,03 triệu USD, bằng 77,15% so với cùng kỳ 2023, đạt 78,6% kế hoạch thu hút 2024.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có 975 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,65 tỷ USD. Trong đó, có 405 dự án đầu tư từ nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông), với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là điện, điện tử, dệt may, da giày, nhựa, bao bì, hóa chất. Các dự án tiêu biểu là Regina Miracle (1 tỷ USD), Pegatron (800 triệu USD), Flat (300 triệu USD), USI (215 triệu USD), Chilisin (170,28 triệu USD)... Hải Phòng hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) có các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư là KCN Đồ Sơn và KCN An Dương.

Về dư địa thu hút đầu tư, ngoài Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 KCN đang vận hành hiệu quả, Hải Phòng đang tích cực thành lập thêm 15 KCN để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư mới, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

“Dư địa thu hút đầu tư của Hải Phòng còn rất lớn. Do vậy, chúng tôi mong muốn thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm và có tiềm năng trong các lĩnh vực mà thành phố Hải Phòng đang ưu tiên thu hút đầu tư như: sản phẩm điện tử và công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics, thương mại, du lịch... đến từ Trung Quốc nói chung, từ Thành phố Thâm Quyến nói riêng đến khảo sát, đầu tư tại Hải Phòng”, ông Châu nhấn mạnh.

Đoàn công tác của thành phố Hải Phòng đến thăm và làm việc tại thành phố Thâm Quyến lần này ngoài mục đích tăng cường giao lưu lãnh đạo cấp cao, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Hải Phòng - Thâm Quyến trên các lĩnh vực.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “Chúng tôi mong muốn mang hình ảnh của Hải Phòng đến gần hơn với các đối tác, bạn bè tại Thâm Quyến, tìm hiểu nhu cầu của các nhà doanh nghiệp, tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Thâm Quyến.Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc trong quá trình tìm hiểu, khảo sát và đầu tư tại Hải Phòng. Thành công của các bạn chính là thành công của thành phố chúng tôi”.

Tổng Thương hội Thành phố Thâm Quyến (FSC) được thành lập vào tháng 2/2012, FSC đảm nhận sứ mệnh kết nối các doanh nghiệp Đông Tây và ươm mầm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu. FSC mong muốn tạo ra một hiệp hội doanh nghiệp mới nhằm thúc đẩy tiến bộ toàn cầu và một phòng thương mại toàn diện ở Trung Quốc với sự đổi mới, khả năng lãnh đạo và mang tính tiêu chuẩn.

Tiếp đó, chiều 5/8, tại cuộc làm việc trao đổi các nội dung hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Holdings Thâm Quyến, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc hỗ trợ triển khai Trung tâm tư vấn đầu tư bất động sản công nghiệp của Công ty Thâm Việt tại TP. Hải Phòng.

Phía lãnh đạo TP. Hải Phòng đề nghị Công ty Thâm Việt phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các ngành chức năng để Trung tâm tư vấn của Công ty hoạt động tốt, kêu gọi thành công nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Trung Quốc đến với Thành phố. Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người lao động trên địa bàn khu công nghiệp, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông đô thị, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải mang lại môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn.

Đặc biệt, đề nghị Công ty quan tâm chăm lo đến người lao người đang làm việc tại doanh nghiệp thông qua việc tận dụng các Nghị quyết của Thành phố Hải Phòng về đào tạo nâng cao tay nghề người lao động, hỗ trợ chi phí để người lao động mua nhà ở xã hội...; Tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị hoạt động, đặc biệt là tổ chức Đảng như hỗ trợ phát triển tổ chức Đảng, khuyến khích người lao động tham gia vào hàng ngũ Đảng.

Đối với Công ty Holdings Thâm Quyến, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã đề nghị Công ty tiếp tục quan tâm mở rộng dự án đầu tư tại thành phố và kêu gọi thu hút đầu tư vào TP. Hải Phòng. Chú trọng vận động, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà thành phố Thâm Quyến có thế mạnh như điện tử, logistics... đầu tư vào Thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp Hải Phòng tiếp cận thị trường Trung Quốc; tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư, du lịch, dịch vụ, thương mại; tạo dựng điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách Trung Quốc và quốc tế. Phía TP. Hải Phòng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp của Trung Quốc nói chung và TP. Thâm Quyến nói riêng.

Hiện, TP. Hải Phòng đang triển khai các công tác xây dựng thành lập một khu kinh tế thứ 2 – khu kinh tế ven biển phía Nam với định hướng là khu kinh tế, xanh, sinh thái, bám sát xu hướng quốc tế về ESG: Môi trường - Xã hội - Quản trị với các chính sách ưu đãi đặc thù, trong đó có khu thương mại tự do. Vì vậy, đề nghị Công ty quan tâm nghiên cứu để triển khai các dự án mới và kêu gọi các đối tác đầu tư tại khu vực mới nhiều thế mạnh vượt trội này.

Cùng ngày, Đoàn công tác TP. Hải Phòng đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc, Đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc là cơ sở nghiên cứu trọng điểm về Khoa học, Xã hội và Nhân văn - cơ quan nghiên cứu học thuật duy nhất về các vấn đề Đặc khu Kinh tế. Hiện, Trung tâm trở thành cơ quan tham vấn học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề Đặc khu Kinh tế có tầm ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc và thế giới.

Nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, Thành phố cũng đang nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng rộng 20.000 ha với các dự án như Sân bay quốc tế Tiên Lãng, Cảng Nam Đồ Sơn, Khu Thương mại tự do, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới.

Do vậy, TP. Hải Phòng mong muốn Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và các mô hình phát triển tại Thâm Quyến. Những kinh nghiệm trên sẽ giúp Hải Phòng trong việc xúc tiến thành lập Khu thương mại tự do trong thời gian tới.

Nguồn: báo Đầu tư