HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP PHÍA BẮC VIỆT NAM”

HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP PHÍA BẮC VIỆT NAM”

Post by admin /10/12/2021

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh, hợp tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn và thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư. Đại dịch COVID-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã đánh trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với sự phát triển mạnh của các hoạt động thương mại, đầu tư,… những kết quả đạt được về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đã đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm của nước ta vẫn đạt mức 1,42%. Đây là thành quả và nền tảng quan trọng để cả nước cùng nhau đồng lòng vượt qua những khó khăn, từng bước “bình thường mới” cuộc sống và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường trong năm 2022.

Nhận thấy những khó khăn của các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc muốn tiếp cận thăm dò, khảo sát thị trường Việt Nam, ngày 02/12/2021 và 09/12/2021 GMG Việt Nam cùng Viện nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) - Bộ kinh tế Đài Loan đã phối hợp với KPMG đồng tổ chức hội thảo trực tuyến “Xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam”  tại Tòa nhà Hanoi Landmark72 - Khu đô thị mới Cầu Giấy, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội thảo sẽ là cầu nối nhằm hỗ trợ đơn vị khai thác hạ tầng các khu công nghiệp tại miền Bắc duy trì và kết nối với các doanh nghiệp Đài Loan có dự định triển khai các dự án tại Việt Nam trong tương lai. Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị khai thác hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam như: Viglacera, Kinh Bắc, Infra Asia Investment, Capella Land, Anphat Conplex, TNI Holdings, Giza E&C...

 

Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam ngày 02/12/2021

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Mã Thị Diễm LợiViện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp – Ban kinh tế Đài Loan cho biết, bà đánh giá cao hội thảo lần này với sự tham gia của nhiều đơn vị lớn, thể hiện sự quan tâm cao của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư chuẩn bị, tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và các khu công nghiệp phía Bắc nói riêng.

Hội thảo đã giới thiệu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc và quy định sử dụng người lao động đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nền kinh tế ở toàn cầu, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, những dự án FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng, nhất là các ngành điện tử hoặc kỹ thuật công nghệ cao.

Tại buổi hội thảo, Ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch đầu tư đã chia sẻ kinh nghiệm về tổng quan môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam. Khi đầu tư các dự án thuộc ngành, nghề được khuyến khích đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp ngoài việc được hưởng những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của trung ương còn có thể được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hiện hành của từng địa phương như ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể được hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo lao động và thủ tục hành chính.

Bà Trần Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có bài chia sẻ về những chính sách liên quan đến vấn đề cấp chứng nhận xuất xứ (CO) ở Việt Nam. Bà Hương đánh giá đây là một trong những chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu. C/O hợp lệ sẽ giúp nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Theo đó, các C/O phải tuân thủ quy định của cả nước xuất và nhập khẩu về quy tắc xuất xứ nhằm chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về xuất nhập khẩu của cả 2 bên đối tác.

Đại diện Công ty TNHH Logistics Quốc tế ADP Loxson Việt Nam, ông Wang Wei - Phó tổng giám đốc có bài thuyết trình về quy trình vận chuyển, lưu kho, phân chia, bao gói sản phẩm... trong đó nhấn mạnh về thủ tục xuất nhập khẩu và thủ tục khai báo hải quan của Việt Nam. Ông Wang Wei cũng chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm thực tế mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình vận hành logicstics tại Việt Nam.

Trong buổi hội thảo, có sự tham gia của Ông Tsai, Shang – Jan - Tổng giám đốc Công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam) đã chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam của của chính doanh nghiệp mình. Wistron là công ty Đài Loan, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, top 100 công ty công nghệ hàng đầu trên toàn cầu với hơn 70.000 nhân viên, 25 nhà máy trên thế giới. Khách hàng của công ty Wistron đều là những thương hiệu nổi tiếng như: Doll, Apple, Hp, Lenovo, Acer, Panasonic, Asus, Sony,... Ông Tsai, Shang – Jan cho biết, khó khăn lớn nhất khi quyết định đầu tư vào Việt Nam chính là việc giải quyết các thủ tục xin cấp phép đầu tư. Ngoài ra việc bất đồng ngôn ngữ, không thông thuộc địa lý.... cũng là những khó khăn không nhỏ khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, ông Tsai, Shang – Jan đã có lời khuyên vô cùng đơn giản và thiết thực dành cho các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Việt Nam trong tương lai là cần tìm tới một đơn vị tư vấn bản địa uy tín, tin cậy để thay họ giải quyết tất cả các vấn đề trên.

Tham gia buổi hội thảo, các nhà đầu tư nước ngoài còn được giải đáp những vấn đề thắc mắc của mình như: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có thể thành lập công ty tại Việt Nam 100% vốn nước ngoài? Thời hạn sử dụng đất là bao lâu? Nhà đầu tư nước ngoài có được quyền sở hữu đất hay không?  Có được phép xây nhà ở công nhân trong khu công nghiệp không?”...  Những câu hỏi trên đều được người đại diện các khu công nghiệp và đặc biệt là đại diện đơn vị tư vấn có uy tín trong lĩnh vực đầu tư – Bà Nguyễn Thị Hạnh – Tổng giám đốc Công ty TNHH GMG Việt Nam giải thích cụ thể và đưa ra các căn cứ pháp lý rõ ràng. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, GMG Việt Nam đã giúp những khách hàng lớn của mình như Wistron Infocomm (Việt Nam), Qisda Việt Nam... thuận lợi xin được các giấy phép đầu tư, tìm được những nơi dừng chân đắc địa, đưa doanh nghiệp từng bước ổn định và đi vào sản xuất.  

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Tổng giám đốc Công ty TNHH GMG Việt Nam

Tại buổi hội thảo, nhiều nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam nói chung và tại các khu công nghiệp phía Bắc nói riêng; các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai; giao thương hàng hóa xuất khẩu; định hướng đầu tư và sự sẵn sàng của Việt Nam về hạ tầng, nhân lực cho thu hút đầu tư.

Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam ngày 09/12/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị hạn chế, hội thảo này là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với Việt Nam. Đồng thời, khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh thu hút đầu tư FDI với các nhà đầu tư nước ngoài.