NHỮNG CHÍNH SÁCH THAY ĐỔI ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM

NHỮNG CHÍNH SÁCH THAY ĐỔI ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM

Post by admin /01/06/2021

Với các chính sách mở cửa, kêu gọi nguồn vốn FDI nhiều ưu đãi của Chính phủ Việt Nam hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, số lượng các nhà đầu tư là người nước ngoài ở Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cá nhân có đầu tư vốn trực tiếp hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có sinh sống, làm việc tại Việt Nam, Việt Nam đã có các chính sách khá linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng nhà đầu tư trong việc cấp thẻ tạm trú.

Về thẻ tạm trú đối với nhà đầu tư

Tháng 7 năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, chính sách cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, nhà đầu tư nước ngoài không còn được mặc nhiên sẽ được cấp thẻ tạm trú khi có dự án đầu tư tại Việt Nam nữa, thay vào đó, pháp luật Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây để có thể được cấp thẻ tạm trú:

  • Nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 03 năm;
  • Nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 05 năm;
  • Nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn không quá 10 năm.

Như vậy, theo quy định mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể được cấp thẻ tạm trú có thời hạn lên đến 10 năm, đây là một thay đổi tương đối lớn so với quy định trước đây với thời hạn tối đa của thẻ tạm trú là 05 năm. Đây có thể xem là một thuận lợi lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú, quy định mới cũng đưa ra mức vốn đầu tư tối thiểu mà nhà đầu tư phải đạt để được cấp thẻ tạm trú là 3 tỷ đồng. Trong trường hợp nhà đầu tư có vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng sẽ không thể xin cấp thẻ tạm trú như quy định trước đây mà chỉ có thể được cấp thị thực có thời hạn tối đa là 12 tháng. Quy định này thực tế nhằm hạn chế việc các cá nhân nước ngoài lợi dụng hình thức đầu tư để được cư trú dài hạn tại Việt Nam cũng như đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài thật sự nghiêm túc khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc những nhà đầu tư trước đó đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam nhưng có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng sẽ không được tiếp tục cấp thẻ tạm trú. Trong trường hợp này, nếu muốn được cấp thẻ tạm trú , nhà đầu tự bắt buộc phải nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên mức 3 tỷ đồng trở lên . Việc này vô tình lại tạo thêm các chi phí hành chính cũng như gây ra một số khó khăn cho nhà đầu tư khi kinh doanh tại Việt Nam.

Về miễn giấy phép lao động đối với nhà đầu tư

Bên cạnh Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi; Nghị định 152/2020/NĐ - CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2021, thay thế hoàn toàn cho Nghị định 11/2016/NĐ – CP. Theo quy định của Nghị định 152/2020/NĐ - CP, nhà đầu tư nước ngoài được miễn giấy phép lao động cho các trường hợp sau:

  • Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
  • Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

Đối với các trường hợp trên, theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ - CP, doanh nghiệp sẽ không cần phải thực hiện thủ tục xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Đây có thể xem là một thuận lợi lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi mà thủ tục xác định nhu cầu sử dụng lao động mất rất nhiều thời gian để thực hiện.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhà đầu tư nước ngoài cũng được miễn giấy phép lao động. Đối với nhà đầu tư nước ngoài có giá trị góp vốn dưới 3 tỷ đồng sẽ không thuộc trường hợp được miễn giấy phép lao động và phải thực hiện xin cấp giấy phép lao động nếu tham gia điều hành doanh nghiệp. Đây có thể xem là một khác biệt lớn giữa Nghị định 152/2020/NĐ - CP và Nghị định 11/ 2016/NĐ - CP khi mà theo quy định cũ, nhà đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp miễn giấy phép lao động không phân biệt giá trị vốn góp . Điều này có thể sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam đã có giá trị vốn đầu tư đã đăng ký nhỏ hơn 3 tỷ đồng vì khi không thuộc trường hợp được miễn giấy phép lao động, nhà đầu tư muốn làm việc tại Việt Nam bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động phức tạp hơn rất nhiều.

Có thể thấy, chính sách về thị thực và lao động của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều thay đổi đáng kể. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là những nhà đầu tư có giá trị đầu tư dưới 3 tỷ đồng sẽ cần lưu ý để thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho phù hợp với quy định mới.