NHỮNG THAY ĐỔI TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 GIÚP TẠO THUẬN LỢI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 GIÚP TẠO THUẬN LỢI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Post by admin /17/06/2021

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được coi là có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng và trong quá trình đầu tư, kinh doanh nói chung.

Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường

Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp so với quy định trước thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu dưới hình thức chữ ký số.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Hồ sơ đăng ký điện tử này sẽ có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể tại khoản 1 điều 206: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Như vậy, thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn từ chậm nhất 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.

Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư

Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định thêm về khái niệm “chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết” – “NVDR”. Điều 140 Nghị định 55/2020/NĐ-CP quy định chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một loại chứng khoán do công ty con của Sở giao dịch chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu của công ty niêm yết, đăng ký giao dịch. NVDR sẽ giúp thị trường doanh nghiệp Việt Nam thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn bảo đảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cổ phần phổ thông có thể được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

Nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông nước ngoài

Luật doanh nghiệp 2020 đã tiếp tục nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư bằng cách mở rộng phạm vi, quyền hạn của cổ đông trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có một số quyền như: Xem xét biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (thay vì 10% trong 06 tháng như luật Doanh nghiệp 2014).

Theo khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020: Vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là 10% nhưng không cần sở hữu liên tục ít nhất trong 06 tháng như quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 mà vẫn có quyền để cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Những thay đổi trên sẽ góp phần tạo nên một khung pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đầu tư vào Việt Nam./.

Theo: http://investvietnam.gov.vn/vi/y-kien-chuyen-gia.nd/luat-doanh-nghiep-2020-nhung-thay-doi-quan-trong-giup-tao-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai.html