Triển vọng thu hút FDI tại khu vực phía bắc

Triển vọng thu hút FDI tại khu vực phía bắc

Post by admin /30/10/2021

Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để sớm kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc đã nỗ lực thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư FDI vào khu vực này tăng mạnh.

Nhiều dự án lớn đã được cấp phép, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương phía bắc, cùng với đó, chính quyền và các doanh nghiệp FDI luôn đồng hành, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tạo môi trường đầu tư an toàn.

Tích cực chuẩn bị đón các dự án lớn

Sáng 31/8, Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Hải Phòng (LGD) với số vốn đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD. Việc điều chỉnh tăng vốn lần này đã đưa LGD trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 4,65 tỷ USD. Tương tự, Dự án chế biến công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, thị xã Quảng Yên triển khai trên diện tích hơn 20 ha, quy mô đầu tư 365,6 triệu USD, có suất vốn đầu tư cao nhất theo diện tích so với các dự án thứ cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Còn trong tháng 7/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất giấy Kraft vina do Công ty TNHH Giấy Kraft vina làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 611,4 triệu USD...

Liên tiếp nhiều dự án FDI trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía bắc được cấp phép, đưa tổng số vốn đầu tư FDI vào các địa phương này tăng cao. Chín tháng qua, tổng số vốn FDI vào Hải Phòng lên tới gần 2,85 tỷ USD, vượt 14% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tăng gấp 3,2 lần so cùng kỳ. Các dự án FDI đầu tư vào các KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh đạt 40.783 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,867 tỷ USD, đạt 148% kế hoạch năm; tỉnh Vĩnh Phúc cấp mới cho 24 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 19 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 928,99 triệu USD, tăng 88,08 triệu USD; tỉnh Ninh Bình cấp mới bảy dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký là 63,76 triệu USD, tăng 15,19%; tỉnh Thái Bình đã thu hút được năm dự án FDI mới, với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 420 triệu USD, tăng bảy lần so cùng kỳ...

Lý giải về số dự án, số vốn FDI tăng mạnh tại địa phương trong chín tháng qua, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, Hải Phòng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nhằm đón các dự án lớn; tập trung cao độ nhằm tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, nhất là về giao thông vận tải, hạ tầng KCN, các dịch vụ phụ trợ và điều kiện môi trường, an ninh trật tự, lao động. Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Tường Văn, việc không ngừng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính là minh chứng rõ nét thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của tỉnh. Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nhanh chóng giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, kiểm soát tốt dịch bệnh...

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Đến nay, TP Hải Phòng đã thu hút hơn 400 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 18 tỷ USD. Chín tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI chiếm tới hơn 30% tổng vốn đầu tư xã hội toàn thành phố; mức thu ngân sách chiếm hơn 25,6% tổng thu ngân sách nội địa; trong đó, nhiều doanh nghiệp có số thu ngân sách cao như Công ty LGE hơn 450 tỷ đồng, Công ty LGD nộp hơn 200 tỷ đồng… Do công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hải Phòng đạt hiệu quả cao, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI không bị đình trệ; tạo việc làm và ổn định đời sống cho hơn 180 nghìn công nhân lao động. Doanh thu các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng vẫn tăng 19%. Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Để đạt mục tiêu này, TP Hải Phòng đang đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông, mở rộng các KCN. Mặt khác, thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến nâng cao kết cấu hạ tầng xã hội như: nhà ở công nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) chia sẻ: Ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Jinko 1, chỉ sau sáu tháng, chúng tôi đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Jinko 2. Chúng tôi thật sự rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh với doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm 2021. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vốn FDI, Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác đặc biệt chủ động tiếp cận doanh nghiệp khi họ có ý định đầu tư; minh bạch, rút ngắn các thủ tục hành chính, thiết lập cơ chế thông tin 24/7 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, các địa phương, ban, ngành của Quảng Ninh đã trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn, nhập cảnh đội ngũ chuyên gia, nhập khẩu máy móc, thiết bị để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời có các cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cũng như thu hút đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho KCN, KKT.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt kiểm soát dịch Covid-19, tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT Thái Bình; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới cách thức hỗ trợ các dự án đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án quy mô lớn để theo sát, hỗ trợ nhà đầu tư, lập dự án, xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Tỉnh Ninh Bình ưu tiên thu hút các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có tính đột phá, tạo động lực phát triển. Do vậy, tỉnh đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính để mời gọi, chào đón các nhà đầu tư có ý tưởng mới, đột phá về công nghệ; chú trọng giải quyết các vướng mắc, khó khăn sẵn sàng đón “sóng” đầu tư mới sau đại dịch Covid-19. Để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng, điểm số thấp như: chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, tạo môi đầu tư thông thoáng...

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng về triển vọng thu hút FDI tại Việt Nam nói chung và các địa phương phía bắc nói riêng.

Theo: https://nhandan.vn/