Vận tải hàng hóa - điểm tựa ngắn hạn cho doanh nghiệp hàng không

Vận tải hàng hóa - điểm tựa ngắn hạn cho doanh nghiệp hàng không

Post by admin /16/03/2021

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS cho rằng vận tải hàng hóa đang là điểm tựa cho ngành hàng không Việt Nam trong ngắn hạn, trong bối cảnh vận tải hành khách sụt giảm mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của ngành hàng không thì vận tải hàng hóa đường hàng không không đang là điểm tựa cho các doanh nghiệp ngành này trong ngắn hạn.

Đối diện thách thức

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS), dù có nhiều triển vọng dần phục hồi sau sự bùng phát của COVID-19 nhưng ngành hàng không được dự báo chỉ thực sự “cất cánh” trong giai đoạn cuối năm 2021 khi vaccine COVID-19 dần được phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Có quan điểm khá tương đồng, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng Việt Nam hiện đang đối mặt với dịch COVID-19 nhưng một lần nữa tình hình được kiểm soát hiệu quả. HSC kỳ vọng việc đi lại trong nội địa sẽ ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, biên giới đã bị đóng cửa kể từ tháng 3/2020 và dự kiến việc hạn chế đi lại qua biên giới sẽ còn được áp dụng đến cuối năm 2021. Vì vậy, mặc dù lượng hành khách nội địa có thể tăng và bù đắp phần nào lượng du khách nước ngoài bị mất đi nhưng tổng lượng khách qua các cảng hàng không sẽ chưa quay trở lại được mức trước dịch.

Các chuyên gia từ BOS cho rằng dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến ảnh hưởng đến sự hồi phục của ngành hàng không. Bên cạnh đó, BOS cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân đang cản trở đà tăng của ngành hàng không là do tốc độ tăng trưởng chậm của cơ sở hạ tầng.

Thực tế, tình trạng quá tải về cơ hạ tầng dẫn đến việc thiếu hụt giờ bay, chỗ đỗ (slot) đã được nhắc đến từ lâu. Thực trạng này đang được triển khai khắc phục. Từ năm 2021, nhiều dự án hạ tầng đã, đang và sẽ được triển khai trong giai đoạn tới.

Cụ thể, Nhà ga mới T3 tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) dự kiến khởi công vào năm 2021 và hoàn thành năm 2024 sẽ tăng công suất hành khách thêm 20 triệu khách cho TIA.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đang tích cực chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để có thể khởi công dự án này vào tháng 10/2021.

Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành sau 24 tháng khởi công, góp phần nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, Sân bay Nội Bài cũng đang có kế hoạch mở rộng nhà ga T2 thêm 15 triệu khách/năm. Đặc biệt là dự án Sân bay quốc tế Long Thành được khởi công vào tháng 12/2020 và dự kiến hoàn thành năm 2025 với khả năng phục vụ 25 triệu khách mỗi năm.

Kỳ vọng "cất cánh"

Giới phân tích nhận định năm 2021, ngành hàng không đối diện với nhiều thách thức, những kỳ vọng tăng trưởng mạnh được “gửi gắm” vào tương lai. Vận tải hàng hóa qua đường hàng không đang là điểm tựa trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp ngành này trụ vững trong đại dịch.

Một ví dụ điển hình về điều này là trường hợp của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Theo báo cáo tài chính công bố hồi tháng 1 của doanh nghiệp này, Vietjet là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Kết thúc quý 4/2020, Vietjet Air đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỷ đồng. Tính cả năm 2020, Vietjet Air đạt 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Đại diện hãng hàng không này cho biết trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hãng đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay và vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hóa quốc tế. 

Vietjet Air cũng là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách.

Doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước trong quý 4/2020 tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%. Thông qua các thỏa thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu - những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch.

Cùng với đó, Vietjet Air đã khai thác 78.462 chuyến bay, vận chuyển hơn 15 triệu lượt khách. Theo xu hướng từ năm trước, doanh thu phụ trợ của Vietjet Air tăng nhanh tỷ trọng, chiếm gần 50% tổng doanh thu.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS cho rằng vận tải hàng hóa đang là điểm tựa cho ngành hàng không Việt Nam trong ngắn hạn, trong bối cảnh vận tải hành khách sụt giảm mạnh.

Năm 2020, sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 66 triệu khách, giảm 43,5%; 1,3 triệu tấn hàng hóa, tương ứng mức giảm 14,7% so với năm 2019. Có thể thấy, so với mức sụt giảm của lượng khách thông qua các cảng hàng không thì sự sụt giảm yếu hơn của vận tải hàng hóa đang trở thành điểm tựa cho ngành hàng không trong sự khó khăn mà COVID-19 gây ra.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu cũng giúp tốc độ tăng trưởng trong trung và dài hạn của vận tải hàng hóa đường hàng không được giữ ở mức ổn định.

Theo quy hoạch của Chính phủ về phát triển vận tải hàng không đến năm 2030, Chính phủ dự kiến tổng lượng hàng hóa qua đường hàng không sẽ tăng 10,5%/năm giai đoạn 2021-2030.

Các chuyên gia từ BOS nhận định vận tải nội địa bằng đường hàng không trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành. Sự đóng góp của thị trường nội địa đã được thể hiện rõ trong năm 2020 khi dịch COVID-19 diễn ra.

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp quản lý cảng hàng không các quốc gia Đông Nam Á, lưu lượng nội địa tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều đã phục hồi với mức độ khác nhau từ mức thấp nhất vào tháng 4/2020.

Trong ba thị trường kể trên, Việt Nam hiện đang là thị trường tiềm năng nhất, với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục, đạt 90% lưu lượng nội địa so với trước dịch trong tháng 10/2020.

Một ví dụ rõ nét về việc tận dụng thị trường nội địa để kinh doanh có lãi là trường hợp của hãng hàng không Bamboo Airways. Dù là doanh nghiệp hàng không “sinh sau đẻ muộn” nhưng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 của hãng này ước khoảng hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bamboo Airways cho biết với bối cảnh chung tích cực nhờ vào chính sách phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, trong năm 2020, Bamboo Airways đã chủ động, kịp thời triển khai đồng bộ giải pháp nỗ lực vượt khó.

Về mạng bay, hãng kịp thời tái hoạch định, tiếp tục củng cố mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Những đường bay thẳng tiêu biểu cho chiến lược này của hãng trong năm 2020 có thể kể đến mạng bay kết nối Côn Đảo, Rạch Giá-Kiên Giang, Phú Yên, Cần Thơ...

Các đường bay mới của Bamboo Airways nhận được sự đánh giá tích cực từ đông đảo hành khách, góp phần giúp hãng nhanh chóng đạt dấu mốc 20% thị phần, tăng gấp đôi chỉ sau một năm.

Một mảng quan trọng mang lại nguồn thu lớn cho Bamboo Airways trong năm 2020 là loạt sản phẩm, combo mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường và hành khách ở thời điểm đặc thù.

Điển hình có thể kể đến combo trọn gói bay-nghỉ dưỡng-golf 5 sao trên toàn quốc, dòng thẻ bay đa nhiệm Bamboo Pass, bộ quyền lợi nhóm giá khách hàng mới (Branded Fares)...

Trong năm 2020, Bamboo Airways vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019.

Dù còn nhiều khó khăn thách thức trong ngắn hạn, nhưng ngành hàng không được kỳ vọng sẽ “cất cánh” trong dài hạn. Dựa theo tốc độ phát triển của vaccine COVID-19, theo kịch bản cơ sở, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự kiến chỉ số khách luân chuyển (RPK) sẽ vượt mức cơ sở năm 2019 vào năm 2024.

Theo IATA, RPK của ngành hàng không toàn cầu sẽ tăng lên mức 61,3% vào năm 2021 (bằng với mức của năm 2019), rồi tiếp tục tăng lên 86,7% vào năm 2022.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh cho giai đoạn trước năm 2019, hàng không Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục cao hơn khoảng 15-20% so với toàn cầu./.

Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)
 
Công ty TNHH GMG Việt Nam (GMG Việt Nam., LTD) tự hào là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi đã thực hiện thành công hàng trăm dự án, nôi bật như: Dự án công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam) , dự án công ty TNHH Qisda Việt Nam, Dự án AVC Việt Nam, Dự án Darfon Việt Nam, Dự án Luxshare, Jochu Việt Nam;Syncmold Vietnam; Dự án Công Ty TNHH Hotron Precision Electronic Industrial Việt Nam; Dự án Công Ty TNHH Công Nghệ Phẩm Thuyên Việt Nam; Dự án Công Ty TNHH Majestic Bridal Việt Nam; Dự án Loxson Viet Nam Co.,Ltd; Dự án TopG Viet Nam Corp.... Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ như Sàn giao dịch bất động sảnlogisticstuyển dụng nhân sự cao cấp, phổ thông, đào tạo ngoại ngữ.....