Thông tin được Tổng cục Hải quan đưa ra ngày 16/11 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10 đạt 51,58 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 27,26 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước (tương ứng tăng 96 triệu USD); nhập khẩu đạt 24,32 tỷ USD, tăng 0,5% (tương ứng tăng 116 triệu USD).
Như vậy, lũy kế hết tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 440,09 tỷ USD, tăng 2,7% với cùng kỳ năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 229,79 tỷ USD, tăng 5%, tương ứng tăng 10,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 210,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%, tương ứng tăng 661 triệu USD.
Trong tháng, cán cân thương mại thặng dư 2,94 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần đưa con số xuất siêu của 10 tháng qua lên đến gần 19,5 tỷ USD.
Tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 35,78 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước, qua đó nâng quy mô kim ngạch tính từ đầu năm lên 295,86 tỷ USD, tăng 7,4%, tương ứng tăng 20,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
Hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 162,39 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 133,47 tỷ USD, tăng 8%. Cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt con số xuất siêu 28,92 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, hết tháng 10, trao đổi thương mại với châu Mỹ đạt 91,24 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng kim ngạch của cả nước. Hết tháng 10, giao thương với thị trường này đạt 282,49 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 113,31 tỷ USD, tăng nhẹ 1% và trị giá nhập khẩu là 169,18 tỷ USD, tăng 0,6%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu với các châu lục còn lại lần lượt là: châu Âu đạt 52,69 tỷ USD, giảm 3,9%; châu Đại Dương đạt 8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% và châu Phi đạt 5,67 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiết lập kỷ lục mới
Kết thúc tháng 10, có nhiều tín hiệu lạc quan hơn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tiên, đó là cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều có được tăng trưởng dương. Tiếp theo là việc Việt Nam tiếp tục có được con số xuất siêu kỷ lục.
Đặc biệt, 2 tháng liên tiếp gần đây (tháng 9, tháng 10) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đều đạt trên 50 tỷ USD/tháng, cao hơn nhiều so với bình quân chung trong 10 tháng (bình quân trong 10 tháng là 44 tỷ USD/tháng).
Nếu tiếp tục duy trì chiều hướng tích cực như thời gian gần đây (trung bình trị giá từ 50 tỷ USD/tháng), 2 tháng cuối của năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ có thêm 100 tỷ USD và đưa kết quả cả năm đạt con số kỷ lục từ trước đến nay là 540 tỷ USD.
Ước tính nêu trên hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế thông lệ những tháng cuối năm hoạt động xuất nhập khẩu thường tăng cao hơn so với giai đoạn đầu năm do nhu cầu mua sắm dịp Tết Dương lịch và Âm lịch (ở Việt Nam và một số nước khu vực châu Á).
Dù kết quả trên chỉ tăng khá thấp trên 4% so với năm 2019 (tương đương khoảng 23 tỷ USD) nhưng đây là kết quả hết sức tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Do đó, việc Việt Nam duy trì được sự ổn định và tăng trưởng như trên cũng là kết quả rất đáng ghi nhận và cho thấy những hiệu quả từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động.