Xuất siêu ấn tượng ngay đầu năm

Xuất siêu ấn tượng ngay đầu năm

Post by admin /04/03/2021

2 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục duy trì đà xuất siêu "khủng" từ năm 2020 với sự đóng góp của hầu hết ngành sản xuất, đặc biệt là khối ngành công nghiệp. Thời gian tới, thực thi toàn diện hơn các FTA thế hệ mới, tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA là yếu tố quan trọng thúc đẩy XK hàng hóa mạnh mẽ hơn.

Xuất siêu 1,29 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch XK.

Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD trong 2 tháng qua (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong kết quả XNK đầu năm nay thấy sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Nếu như trong năm 2020, các mặt hàng như dệt may, da giày bị tác động rất lớn dẫn tới bị sụt giảm sâu tới 10% thì trong dịp đầu năm nay, cả hai ngành này đã có bước tăng trưởng khá.

"Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử cũng chứng kiến mức tăng trưởng rất cao, phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch bệnh nguy hiểm. Hiện nay, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do giãn cách hạn chế sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao. Đối với nhóm hàng nông sản mặc dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp nhưng XK nông sản cũng đã đạt được tăng trưởng tốt", ông Trần Thanh Hải nói.

Xung quanh câu chuyện XK hàng hóa đầu năm nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, XK nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo và điện tử, điện thoại tăng mạnh chứng tỏ có sự dịch chuyển về cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nước theo chiều hướng tốt hơn cho Việt Nam, tập trung mảng chế biến chế tạo mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Động lực từ các FTA

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng trong XK hàng hóa, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng đề cập đến khía cạnh, từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn đặt ra nổi cộm là về logistics-khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể, những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.

"Ở trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông khiến hàng hóa đưa ra cảng đi XK cũng phần nào bị ảnh hưởng", ông Trần Thanh Hải nói.

Năm 2021, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng XNK khá khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng XNK của nhiều năm trước đó, chỉ ở mức 4-5%. Việc thực thi toàn diện, đầy đủ hơn các FTA thế hệ mới, điển hình như FTA Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, XK thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải phân tích, năm 2020 là năm mà có tới 3 FTA đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA). Trong đó, EVFTA và RCEP là những hiệp định có quy mô rất lớn, được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động XNK của các DN Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ. Với EVFTA, ngay khi có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, lập tức số lượng các C/O mẫu EUR.1 là form mẫu XK đi EU đã tăng rất mạnh. Điều này đã thể hiện các DN đã nắm bắt và khai thác được ngay các lợi thế từ Hiệp định này.

"Trong thời gian tới khi các FTA này được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, khi các yếu tố về dịch bệnh hy vọng sẽ sớm được đẩy lùi cũng như việc đưa vắc xin vào áp dụng đại trà, hy vọng những tác động của các FTA sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, XK của Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cũng phải tổ chức sắp xếp lại để tìm hiểu cho kỹ và vận dụng tốt lợi thế từ các FTA. Yếu tố dịch bệnh, kể cả trong thời gian tới khi dịch bệnh thuyên giảm thì tác động của dịch Covid-19 cũng vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa mới trở lại bình thường. Do vậy, các DN không thể chủ quan, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố này, vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát huy tốt trong năm 2020, ví dụ như việc sử dụng các kênh tiếp thị ở trên môi trường số...

Theo haiquanonline
Công ty TNHH GMG Việt Nam (GMG Việt Nam., LTD) tự hào là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi đã thực hiện thành công hàng trăm dự án, nôi bật như: Dự án công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam) , dự án công ty TNHH Qisda Việt Nam, Dự án AVC Việt Nam, Dự án Darfon Việt Nam, Dự án Luxshare, Jochu Việt Nam;Syncmold Vietnam; Dự án Công Ty TNHH Hotron Precision Electronic Industrial Việt Nam; Dự án Công Ty TNHH Công Nghệ Phẩm Thuyên Việt Nam; Dự án Công Ty TNHH Majestic Bridal Việt Nam; Dự án Loxson Viet Nam Co.,Ltd; Dự án TopG Viet Nam Corp.... Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ như Sàn giao dịch bất động sảnlogistics, tuyển dụng nhân sự cao cấp, phổ thông, đào tạo ngoại ngữ.....