Chỉ định cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

Chỉ định cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

Post by admin /26/03/2022

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 328/QĐ-TTg chỉ định cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

Theo đó, Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Về các cơ quan đầu mối thực hiện các Chương của Hiệp định RCEP, Phó Thủ tướng chỉ định Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương 1 - Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung; Chương 3 - Quy tắc xuất xứ; Chương 7- Phòng vệ thương mại; chương 8- Thương mại dịch vụ; Chương 13 - Cạnh tranh;...

Đối với Chương 2 - Thương mại hàng hóa, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công Thương (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của các nước thành viên RCEP, quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các nội dung liên quan đến nông sản).

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì thực hiện Chương 4 - Các thủ tục hải quan và Thuận lợi hóa thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Chương 5 - Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Với Chương 11 - Sở hữu trí tuệ, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với các vấn đề chung, nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nội dung liên quan đến quyền với giống cây trồng).

Phó Thủ tướng cũng chỉ định các cơ quan đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin và đầu mối liên lạc với các nước Đối tác; chỉ định các cơ quan đầu mối tham gia các Ủy ban thực hiện Hiệp định RCEP...

Trong quá trình triển khai Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

RCEP sẽ giúp Việt Nam và các nước ASEAN phục hồi kinh tế

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một khi RCEP được thực thi sẽ đóng vai trò là động cơ quan trọng của thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện hơn ở ASEAN vào năm 2022 và hơn thế nữa. Tác động kinh tế của RCEP là rất rõ rệt. 

Theo đó, RCEP giảm thuế nhập khẩu và củng cố quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1 (ví dụ: FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản). Hiệp định loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới kể từ ngày có hiệu lực.

Đáng chú ý, năm 2022, Trung Quốc - một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước ASEAN - sẽ xóa bỏ khoảng 70% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN, trong khi các nước đang phát triển của ASEAN như: Brunei, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định sẽ loại bỏ khoảng 75% thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các loại thuế quan còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong 20 năm.

Bên cạnh đó, RCEP tăng cường sự hài hòa của các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn sản phẩm về an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác bằng cách thúc đẩy tính minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau về các thủ tục đánh giá sự phù hợp của các đối tác RCEP.  

Đặc biệt, RCEP ​​sẽ kích thích thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại quốc tế. Nó tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử như bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và dữ liệu cá nhân trực tuyến; đồng thời, tạo điều kiện chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử và ngăn chặn việc sử dụng các yêu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ như một điều kiện để tiến hành thương mại điện tử trong RCEP đối tác.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí, việc bắt đầu thực hiện RCEP vào năm 2022 là thời điểm thích hợp để chuyển các điều khoản của RCEP về thương mại điện tử thành các kế hoạch hành động quốc gia của các nước ASEAN. Điều này sẽ mở đường cho việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời cải thiện khả năng thích ứng với thương mại điện tử trong khu vực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo: https://thuongtruong.com.vn/