Hỗ trợ để doanh nghiệp đưa tiền vào nền kinh tế

Hỗ trợ để doanh nghiệp đưa tiền vào nền kinh tế

Post by admin /07/08/2024

Vẫn nhiều quy định làm doanh nghiệp lo lắng

Tuần trước, 6 hiệp hội lại có đơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng một số bộ, ngành liên quan. Nội dung vẫn là những quan ngại với về nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm).

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhắc đến đơn kiến nghị của các hiệp hội, gồm Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Sản xuất nước mắm TP. Phú Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch và Hiệp hội Điều Việt Nam, với nhiều băn khoăn.

“Đang có rất nhiều đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều cần nhất là các quyết định, hành động cụ thể trong thực thi. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn không trông chờ chính sách hỗ trợ, mà chỉ kỳ vọng chính sách không tạo thêm gánh nặng cho họ”, ông Bình chia sẻ.

Đầu tư của khu vực tư nhân dù đã hồi phục đôi chút, nhưng vẫn quá thấp so trước đại dịch. Trong các nguyên nhân, cần phải làm rõ sự chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính.

Là chuyên gia về doanh nghiệp, ông Bình cũng không nhớ hết số lần các hiệp hội này gửi kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước về cùng nội dung, kể từ năm 2016 - thời điểm Nghị định 09 được ban hành. Nhưng lần gần nhất mà ông nắm được là vào tháng 6/2024, trong cuộc làm việc giữa các hiệp hội doanh nghiệp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Đáng nói là nội dung kiến nghị ở hai lần này không khác nhau mấy, vẫn là “đề nghị Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện và ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09, phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, Hiến pháp 2013 và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng”, cụ thể là không bắt buộc bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm, tăng cường sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm…

Điểm mới và cũng là lý do để các hiệp hội này phải tập hợp lại, lấy ý kiến và ký đơn kiến nghị, là bản Dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ ngày 3/7/2024 vẫn chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như 2 ý kiến chỉ đạo liên tiếp trong 2 năm 2023, 2024 của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Vấn đề là trường hợp dự thảo văn bản pháp lý có quy định có thể làm trầm trọng thêm những lo lắng, bất ổn đối với doanh nghiệp như trên không phải cá biệt.

Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về tình hình và kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, phần liệt kê các dự thảo thuộc diện này khá dày. Có thể nhắc một số quy định mở rộng đối tượng, thay đổi mức thuế suất được cho là trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hay yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện kinh doanh… tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dẫn tới những băn khoăn, lo ngại về gánh nặng thủ tục hành chính, trong khi chưa phân tích rõ ràng, thuyết phục về hiệu quả quản lý.

Những bất cập trong dự thảo văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải; định mức chi phí tái chế (Fs) trong thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng được điểm danh.

Đặc biệt, việc thiếu vắng các quy định về kết nối liên thông trong quản lý nhà nước đang làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết, do đó tăng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp. Ví dụ, Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo tiêu chuẩn cơ sở lên Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi nhiều sản phẩm như thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm phải đăng ký với bộ chuyên ngành là Bộ Y tế, thuốc thú y phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

“Trong bối cảnh này, rất dễ hiểu khi không nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho các kế hoạch đầu tư mới, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay”, ông Lê Duy Bình lo lắng.

 

Thay đổi tư duy hỗ trợ doanh nghiệp

Sự trở lại khá ổn định với mức 54,7 điểm của Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong 2 tháng 6 và 7, sau khi vượt ngưỡng điểm 50 vào tháng 4/2024 cũng không khiến TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) an tâm khi tính toán sự đóng góp vào GDP của các động lực tăng trưởng chính.

“Đầu tư của khu vực tư nhân dù đã hồi phục đôi chút, nhưng vẫn quá thấp so trước đại dịch. Trong các nguyên nhân, đặc biệt phải làm rõ sự chậm trễ trong thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Có doanh nghiệp 20 năm trong ngành gỗ nói, họ buộc phải từ chối một số hợp đồng vì không kịp xong thủ tục đầu tư xây dựng nhà xưởng mới. Vì sản xuất gỗ xuất khẩu có tính chất theo mùa vụ, nếu thủ tục chậm, không dự tính được thì rất khó đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu”, ông Cung lý giải.

Cũng phải thẳng thắn, sự chậm trễ trong thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính là nguyên nhân của sự chậm lại trong giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương, song ông Cung cho rằng, dư địa tăng trưởng ở nguồn vốn này không còn nhiều, do có giới hạn về số tuyệt đối. Chính vì vậy, các động lực tăng trưởng đang dựa vào sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tăng trưởng dịch vụ khi cầu nội địa tăng trở lại.

“Điều tôi quan ngại là kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tới hạn nếu năng lực sản xuất hiện nay không được mở rộng. Giả thuyết là nhu cầu nhập khẩu bên ngoài tăng mạnh, dù thực tế đang được dự báo là chưa phục hồi chắc chắn, nhưng năng lực sản xuất trong nước không đủ đáp ứng thì cũng không thể tạo sức bật”, ông Cung phân tích.

Đây cũng là lo ngại của ông Lê Duy Bình khi không đọc được nhiều thông tin về các lễ khởi công, động thổ của các doanh nghiệp lớn, cũng như chưa quan sát được không khí sôi động của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Với giả thuyết tốc độ tăng trưởng đầu tư công, xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp như các tháng qua và chi tiêu người dân sẽ được hỗ trợ bởi tăng lương, các giải pháp hỗ trợ về thuế VAT…, khả năng GDP cuối năm nay sẽ đạt khoảng 6,5%. Phần còn lại của mục tiêu 7% thuộc về sự trở lại của đầu tư tư nhân”, ông Bình phân tích.

Như vậy, bài toán hiện tại vẫn phải là làm thế nào để khôi phục nhanh dòng vốn này. Song, ông Bình cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt mục tiêu rõ ràng, như yêu cầu cụ thể về số lượng các dự án đầu tư, số tiền các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đưa vào nền kinh tế…

Điều này có nghĩa những vướng mắc đã được tổng kết trong thời gian qua như khó khăn về thủ tục, lo ngại rủi ro về mặt pháp lý, chi phí cao… cần được giải quyết theo hướng gỡ từng dự án, từng doanh nghiệp để có ngay dòng tiền đưa vào nền kinh tế, chứ không phải theo hướng cộng 3-4 thủ tục lại thành 1, hay để doanh nghiệp phải đợi cả 8 năm vẫn chưa giải quyết xong kiến nghị như trường hợp của Bộ Y tế…

“Quan điểm của tôi vẫn là môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp sẽ kích hoạt nhiệt huyết lớn cho người kinh doanh, dù là tập đoàn ngàn tỷ hay cá nhân kinh doanh”, ông Bình nói.

Nguồn: báo Đầu tư