Sau 35 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dòng vốn ngoại đã hiện diện ở hầu hết các địa phương trong cả nước với những dự án được đầu tư bởi những tên tuổi lớn toàn cầu như Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic...
5 ưu điểm, 4 hạn chế
Khắc họa bức tranh toàn cảnh về tình hình thu hút, sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện và công bố mới đây nhấn mạnh đến những kết quả đáng khích lệ. Đó là khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự thành công trong kinh doanh ở nước ta bằng cách điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận.
Đáng lưu ý, hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra rất sôi động trong 10 năm qua, chiếm tỷ trọng cao trong vốn FDI đăng ký và thực hiện. Năm 2021, giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đạt giá trị 12 tỷ USD, tăng 150% so năm 2020, tương đương với kỷ lục thiết lập năm 2017 là 13,4 tỷ USD, dù môi trường đầu tư toàn cầu biến động rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hình thức đầu tư không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM) đang trở thành phương thức đầu tư mới ở Việt Nam, điển hình là hai thương vụ đầu tư của Tập đoàn Vingroup đối với thương hiệu Vinfast và Vinsmart. Theo GS, TS Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, hình thức đầu tư này cho phép các tập đoàn đa quốc gia điều phối hoạt động chuỗi cung ứng sản phẩm, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh. Đây là xu hướng đầu tư nhằm gia tăng lợi nhuận cận biên thông qua tìm kiếm thị trường tiềm năng mà không cần góp vốn.
Cùng thời điểm, Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), cũng công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2021, trong đó phân tích rõ những bất cập, hạn chế trong thu hút FDI và đưa ra nhiều khuyến nghị gửi các nhà hoạch định chính sách. TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Những vấn đề đặt ra trong quá trình thu hút FDI hiện nay không mới, tựu trung ở 5 ưu điểm, 4 hạn chế.
Ưu điểm là vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP ngày càng quan trọng; tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao; đóng góp ngân sách; tạo việc làm; lan tỏa năng suất và công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ. Những mặt hạn chế của dòng vốn ngoại thể hiện ở chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI chưa cao, số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ châu Âu chỉ khoảng 5%; có tình trạng mất cân đối trong thu hút và sử dụng FDI trên địa bàn; liên kết, tương tác giữa khu vực FDI và khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; các mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội và quốc phòng-an ninh...
Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá
Theo TS Phan Hữu Thắng, những hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất vẫn là thể chế, chính sách về FDI vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời cần sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. TS Phan Hữu Thắng và các cộng sự nhấn mạnh giải pháp chú trọng công tác giám sát, đánh giá dự án FDI, nhất là tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” dưới hình thức thông qua cá nhân Việt Nam lập doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49%; cho cá nhân Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp... Giải pháp cho vấn đề này là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ nhằm đánh giá một cách nghiêm túc và chuẩn xác về hiệu quả FDI tại Việt Nam.
Cho rằng thể chế, luật pháp liên quan đến đầu tư nước ngoài chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, thực thi không nghiêm minh cho nên một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” trong những ngành và lĩnh vực hạn chế FDI, VAFIE khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI, trong đó có chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát hệ thống chính sách về đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn; tăng cường quản lý nhà nước về FDI từ khâu xúc tiến, thẩm định, triển khai dự án tới khâu kiểm tra, giám sát thực hiện. VAFIE cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI. Bộ tiêu chí đánh giá đang xây dựng gồm có 26 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ…, làm căn cứ cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tự chấm điểm và các địa phương tiếp nhận đầu tư có căn cứ sàng lọc dự án.
Nguồn https://nhandan.vn/