Những đối tượng nào phải chịu thuế thu nhập cá nhân?

Văn bản pháp luật điều chỉnh quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân

  • Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Nội dung chi tiết quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân

Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú khi có thu nhập chịu thuế thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây:

1. Thu nhập từ kinh doanh

Là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau:

– Thu nhập có được từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa; xây dựng; vận tải; kinh doanh ăn uống; kinh doanh dịch vụ, kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác.

– Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế.

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp.
– Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác. 
– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác. 
– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức. 
– Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán.

3. Thu nhập từ đầu tư vốn

Là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

– Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.

– Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác (trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ); lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác.

– Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

– Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và lãi trái phiếu Chính phủ.

– Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.

– Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm: 

a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Là khoản thu nhập nhận được từ việc chuyển nhượng bất động sản bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. 

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.

– Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước.

– Thu nhập khi góp vốn bằng bất động sản để thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.

– Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

6. Thu nhập từ trúng thưởng

Là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức như:

– Trúng thưởng xổ số do các công ty xổ số phát hành trả thưởng.

– Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ.

– Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược được pháp luật cho phép.

– Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác do các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức.

7. Thu nhập từ bản quyền

Là thu nhập nhận được khi chuyển nhượng, chuyển nhượng lại, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ, bao gồm cả trường hợp chuyển nhượng lại.

8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại 

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại. 

Thu nhập từ nhượng quyền thương mại là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ các hợp đồng nhượng quyền thương mại nêu trên, bao gồm cả trường hợp nhượng lại quyền thương mại theo quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.

9. Thu nhập từ nhận thừa kế

Là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khoản thu nhập này có thể là chứng khoán, phần vốn trong các doanh nghiệp, bất động sản (trừ thu nhập được miễn thuế) hoặc các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng

Là khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Khoản thu nhập này có thể là chứng khoán, phần vốn trong các doanh nghiệp, bất động sản (trừ thu nhập được miễn thuế) hoặc các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước.

Quay lại