Sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Post by admin /14/05/2022

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 4/2022, sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Đặc biệt, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành khai khoáng tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019 (năm chưa có dịch COVID-19) như: sản xuất trang phục tăng 20,1% (cùng kỳ năm 2019 tăng 7,9%); sản xuất thiết bị điện tăng 19,1% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,2%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%)…

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 8,3%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đó là: bột ngọt và linh kiện điện thoại cùng tăng 21,5%; thép thanh, thép góc tăng 15,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; phân u rê tăng 13,2%; Alumin tăng 12,7%; quần áo mặc thường tăng 12,3%; ô tô tăng 12%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% và giảm 3,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,1% và giảm 2,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 5,3%.

Theo Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, dự kiến, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Cùng với đó, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành năng lượng theo dõi sát nguồn cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; đánh giá để có các phương án vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…/.

Theo: https://www.vietnamplus.vn/